Nhiều lần tiếp xúc, tôi không thấy vẻ uy nghiêm, đạo mạo của một vị Đại tướng, một vĩ nhân mà thấy toát lên vẻ bình dị trong cách nói năng, hành xử thuần hậu, chân chất của một người con vùng quê xứ Lệ. Đại tướng xa quê từ năm 14 tuổi nhưng giọng nói vẫn đậm chất Lệ Thủy. Đại tướng dùng nhiều tiếng địa phương khiến chúng tôi bất ngờ. Khi nhắc đến chiếc phản thường nằm thời tuổi thơ, ông nói với tôi: -“Chắc nó thất lạc mô đó trong thôn”. Khi nói về khu vườn, ông bảo: -“Nương nhà mình trước đây kéo dài ra tận ngoài mưng tề”!. Khi dự xem đua bơi xong (tháng 8/1999), Đại tướng quay sang hỏi các anh lãnh đạo xã và thôn: - “Đò mềng thứ mấy?”.
Ngày 12/2/2002, Đại tướng và gia đình về thăm quê, nghỉ lại nhà khách Cơ quan Huyện uỷ. Bữa ăn sáng hôm đó nhà bếp bưng lên mỗi người một bát cháo bồ câu hầm và vài món ăn nhẹ. Tự tay bà Đặng Bích Hà xé nhỏ từng miếng thịt bỏ vào bát cho Đại tướng và luôn giục ông ăn đi cho nóng. Nhìn hai mái đầu bạc bên nhau, tôi không còn thấy một vị Đại tướng oai hùng và một nữ giáo sư khả kính mà chỉ thấy sự ấm cúng, ân cần và hạnh phúc của một đôi vợ chồng già tâm đầu ý hợp đến tận chặng cuối của cuộc đời.
Tháng 11 năm 1983, khi về quê, Đại tướng đến thăm trường cấp 3 Lệ Thuỷ. Trong đám đông vây quanh của các cháu học sinh và cán bộ, giáo viên của trường cùng Nhân dân chào đón, ông bước đến trước một ông già thấp đậm, quắc thước, râu tóc bạc trắng và cất tiếng hỏi: -“Tôi trông cụ quen quen? Có phải là cụ Choạc không?”
Cụ già lúng túng: - “Thưa ngài… đúng ạ”!
Đại tướng ngắt lời: -“Xin cụ đừng gọi như vậy. Năm nay cụ bao nhiêu tuổi”? -“Dạ thưa, tôi 71 tuổi”. Đại tướng nói: -“Tôi 73. Chúng ta là bạn đồng niên”!
Sau khi Đại tướng đi rồi, mọi người mới biết ông Lê Choạc, người làng Phan Xá khi còn thanh niên thường về cấy, gặt thuê vùng An Xá, trong đó có nhà cụ Võ Quang Nghiêm. Vào các dịp nghỉ hè, cậu Giáp học ở Huế thường về quê. Trong đám người làm, ông là người làm khoẻ, vui tính, hay hát hò nên nổi trội hơn cả. Gần nửa thế kỷ trôi qua, trong đám đông, Đại tướng vẫn nhận ra người làm công cho gia đình mình năm xưa!
Cụ Võ Quang Nghiêm, thân sinh của Đại tướng là liệt sỹ. Khi tìm được mộ và đưa từ Huế về (năm 1977), hài cốt cụ được đưa vào nghĩa trang liệt sỹ huyện. Khi thiết kế nghĩa trang, huyện đã chừa hai ô ở khu các anh hùng, có ý sẽ an táng song thân Đại tướng. Khi biết chuyện, Đại tướng nói: -“Cảm ơn thiện ý của lãnh đạo huyện nhưng ông thân tôi là liệt sỹ bình thường nên không thể đặt ở khu vực dành cho các anh hùng. Còn thân mẫu tôi là người dân, không thể đặt vào nghĩa trang liệt sỹ”. Theo lời Đại tướng, cụ thân sinh được đặt ở cạnh khu vực các anh hùng liệt sỹ, còn thân mẫu được an táng phía ngoài nghĩa trang, cách khuôn viên vài chục mét. Mộ của bà nằm khiêm nhường bên cạnh những ngôi mộ khác. Từ việc của gia đình, Đại tướng đã thực hiện lời dạy của Bác Hồ mà khi nói chuyện với cán bộ, ông thường nhắc lại: Người cách mạng phải “dĩ công vi thượng”!
Khi công việc trùng tu cơ bản hoàn thành, Đại tướng về thăm nhà (11/4/2002). Ngồi giữa nhà, trong sự rộn ràng, nồng nhiệt của đông người đến chào đón, Đại tướng không quên cho gọi ông Đặng Đại Trung, Giám đốc đơn vị trùng tu vào hỏi han thân tình. Khi biết ông Trung là cháu ruột ông Đặng Đại Múng, người thợ đã dựng ngôi nhà năm xưa cho gia đình Đại tướng nay vẫn còn sống, ông ân cần chuyển lời hỏi thăm và cảm ơn đến ông Múng.
Nhân kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Đại tướng, tôi chép lại một vài kỷ niệm như nén tâm nhang cầu mong Đại tướng được siêu thoát và sống mãi trong lòng Nhân dân và nhân loại.
ĐỖ TRUNG TUÂN
(Theo http://lethuy.edu.vn/)